Viêm tuyến nước bọt : Những điều cần biết

Viêm tuyến nước bọt gây sưng đau vùng miệng, khô miệng, khó nuốt, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin tổng quan giúp bạn nhận biết sớm, thăm khám và điều trị kịp thời để bảo vệ sức khỏe răng miệng.

Viêm tuyến nước bọt gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người mắc
Viêm tuyến nước bọt gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người mắc

Nguyên nhân gây ra viêm tuyến nước bọt

Theo Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, viêm tuyến nước bọt là tình trạng viêm xảy ra tại các tuyến dưới hàm, mang tai hoặc dưới lưỡi. Bệnh có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều tuyến, gây sưng đau và cản trở quá trình tiết nước bọt.

Nguyên nhân thường gặp bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn (phổ biến là Staphylococcus aureus), thường xảy ra khi miễn dịch suy giảm hoặc tuyến bị tắc.
  • Nhiễm virus, đặc biệt là virus quai bị, gây sưng đau tuyến mang tai.
  • Sỏi tuyến nước bọt, do khoáng chất tích tụ trong ống tuyến, làm cản trở dòng chảy nước bọt.
  • Thiếu nước, do thói quen uống ít nước mỗi ngày.
  • Tác dụng phụ của thuốc, như thuốc chống trầm cảm, lợi tiểu,… gây khô miệng và tăng nguy cơ viêm.

Các triệu chứng khi bị viêm tuyến nước bọt

Khi mắc viêm tuyến nước bọt, người bệnh có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Sưng đau vùng tuyến bị viêm, tăng lên khi nhai hoặc nuốt.
  • Khó mở miệng, cảm giác đau khi há miệng.
  • Nước bọt có mùi hôi khó chịu.
  • Toàn thân mệt mỏi, sốt, ớn lạnh, khô miệng và khó nuốt.

Viêm tuyến nước bọt ảnh hưởng đến bệnh nhân như thế nào?

Nước bọt giúp bôi trơn khoang miệng, hỗ trợ tiêu hóa và bảo vệ răng miệng khỏi vi khuẩn. Khi tuyến nước bọt bị viêm, lượng nước bọt giảm, dễ dẫn đến sâu răng, viêm nướu,…

Ngoài ra, sưng đau tại vùng tuyến khiến người bệnh khó ăn uống, nuốt khó, lâu dài có thể thiếu dinh dưỡng và suy nhược. Đau kéo dài cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ và tinh thần.

Nếu không điều trị sớm, viêm tuyến nước bọt có thể gây biến chứng như áp xe hoặc nhiễm trùng lan rộng.

Phương pháp điều trị viêm tuyến nước bọt

Phương pháp điều trị viêm tuyến nước bọt
Phương pháp điều trị viêm tuyến nước bọt

Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cũng cho biết thêm, tùy vào nguyên nhân và mức độ viêm, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, bao gồm:

Điều trị bằng thuốc

Kháng sinh (như amoxicillin, clindamycin): tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Thuốc giảm đau, kháng viêm (paracetamol, ibuprofen): giảm sưng đau và phản ứng viêm.

Corticosteroid: dùng trong trường hợp viêm nặng để cải thiện nhanh tình trạng.

Thuốc kích thích tiết nước bọt: chứa axit citric, hỗ trợ tăng tiết nước bọt cho các trường hợp viêm kéo dài.

Can thiệp ngoại khoa

Loại bỏ sỏi tuyến: thực hiện bằng nội soi, massage hoặc phẫu thuật nếu sỏi lớn, giúp khơi thông tuyến nước bọt.

Dẫn lưu áp xe: dùng kim chọc hút hoặc rạch nhỏ để lấy mủ, giảm sưng và ngăn nhiễm trùng lan rộng. Sau đó, người bệnh cần theo dõi và dùng kháng sinh theo chỉ định.

Phẫu thuật cắt tuyến nước bọt: áp dụng cho trường hợp viêm tái phát nhiều lần, không đáp ứng điều trị nội khoa. Bác sĩ sẽ đánh giá kỹ trước khi chỉ định phẫu thuật một phần hoặc toàn bộ tuyến bị tổn thương.

Phương pháp phòng ngừa tái phát viêm tuyến nước bọt

Sau điều trị, người bệnh cần theo dõi các dấu hiệu như sưng, đau, sốt hoặc mưng mủ và đến cơ sở y tế nếu tình trạng không cải thiện. Đồng thời, nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa tái phát sau:

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng bằng nước muối ấm hằng ngày để ngăn nhiễm trùng và hỗ trợ hồi phục.
  • Uống đủ nước để giữ ẩm khoang miệng và duy trì hoạt động của tuyến nước bọt.

Viêm tuyến nước bọt gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh nên thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời theo hướng dẫn của bác sĩ.

Mô tả Thu Oanh